CÁC LOẠI BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CÂY XOÀI VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ BỆNH

Hotline 24/7: 0974.035.620

0974.035.620

CÁC LOẠI BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CÂY XOÀI VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ BỆNH

CÁC LOẠI BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CÂY XOÀI VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ BỆNH

A.  Sâu hại

1. Rầy bông xoài (Idioscopus spp.)

- Hình thái và cách gây hại: 

+ Đây là loài gây hại rất nghiêm trọng trên xoài ảnh hưởng nhiều đến khả năng đậu trái, cả rầy trưởng thành và rầy non đều gây hại trên hoa, đọt non và lá non. Rầy chích hút làm lá không phát triển được, lá bị cong, rìa lá khô, trên hoa làm cho phát hoa bi khô và rụng.

+ Đối với trái sau khi thụ phấn không phát triển và rụng. Khi chích hút rầy còn tiết ra mật đường làm cho nấm bồ hóng phát triển mạnh gây đen bông và trái. Khi vườn xoài có rầy hiện diện, sẽ nghe những tiếng động nhỏ do rầy di chuyển nên rất dễ dàng phát hiện.

+ Trưởng thành rất linh động dài 4mm toàn thân màu nâu đen, trứng được đẻ rải rác trong các mô lá non, chồi non hoặc hoa, một con cái có thể đẻ 200 trứng, rầy non gần giống trưởng thành và rất linh họat có 5 tuổi màu sắc nhạt hơn .(Hình 6 và 7).

- Phòng trị:

+ Ngoài tự nhiên có một số loài thiên địch như bọ xít ăn thịt (Revudiidae), ong kí sinh và nấmVerticellium lecanii, Hirsutella sp. có thể gây hại cho rầy.

+ Sau thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành tạo điều kiện thông thoáng để hạn chế sự phát triển của rầy.

+ Dùng các loại thuốc để phun như Butyl 10WP, Dimenate 40EC, Actara, Admire, Pyrethroid để phun khi cần thiết.

2. Sâu đục trái (Noorda albizonalis)

- Hình thái và cách gây hại: Sâu có thể gây hại ở mọi giai đoạn phát triển của trái, sâu non đục vào trái vị trí thường ở cuối trái phát triển bên trong ăn phá, làm trái bị thối và rụng. Trái bị sâu đục vào có vết nứt và thối nên có thể dễ dàng phát hiện.

- Phòng trị:

+ Thu lượm những trái bị hại đem tiêu hủy để loại bỏ nguồn sâu trong trái.

+ Phun thuốc khi thấy trưởng thành xuất hiện, có thể sử dụng Sago Super 20EC, Fenbis 25EC, Karate, Cymbush...để phun.

+ Sử dụng bao trái bao khi trái con nhỏ đường kính khoảng 3 – 4cm

3. Sâu cắt lá (Deporaus marginatus)

- Hình thái và cách gây hại: Thường gây hại nặng trong vườn ương cây con. Trưởng thành đẻ trứng trên bìa lá non vào đêm và sau đó cắt ngang lá, sáng sớm có thể quan sát nhiều lá non bị cắt rải rác dưới đất. Lá non của cây con bị thiệt hại, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cây, kéo dài giai đoạn cây trong vườn ương. Sâu cắt lá còn gây hại trên vườn sản xuất và cũng chủ yếu giai đoạn cây ra đọt non. Gây hại mạnh trong các tháng mùa khô.(Hình 8 và 9). 

Trưởng thành thuộc loại cánh cứng cơ thể có màu nâu vàng dài 5 - 7 mm, trứng dài 0.5mm được đẻ rải rác ở mặt dưới lá, dưới lớp biểu bì gần gân lá, trên mổi lá số trứng có thể lên đến 10-20 trứng, sau khi đẻ trứng xong con cái cắn tiện ngang lá rơi xuống đất, trứng nở trong 2 ngày, ấu trùng có 3 tuổi sống trong đường hầm trên lá trong vòng 7 ngày, sau đó hóa nhộng đưới đất.

- Phòng trị:

+ Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt

+ Thu dọn các lá bị hại trong vườn đem tiêu hủy.

+ Phun thuốc khi thấy trưởng thành xuất hiện trong vườn như: Secsaigon 10EC, Saliphos 35EC, Polytrin, Karate hoặc thuốc gốc cúc tổng hợp. Xử lý đất nếu bị sâu gây hại nặng trên vườn

4. Rệp sáp (Pseudoccoccus sp.)

- Hình thái và cách gây hại:

Có nhiều loài rệp sáp gây hại trên xoài nhưng quan trọng là loài gây hại trên trái vì nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cũng như vẻ đẹp của trái ảnh hưởng đến giá bán.

- Phòng trị: Tạo điều kiện thích hợp để các loài ong ký sinh và thiên địch như bọ rùa phát triển để hạn chế rệp sáp. Phun thuốc hoá học như: Secsaigon 10EC, Saliphos 35EC, Supracide, Dầu DC-Tron Plus, Admire 

5. Ruồi đục trái (Bactrocera spp.)

- Hình thái và cách gây hại: Loài ruồi này gồm nhiều loài phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam á gây hại quan trọng trên nhiều loại cây khác nhau như xoài, mận, ổi, nhãn, chôm chôm...Ruồi đẻ trứng vào vỏ trái sắp chín, ấu trùng nở ra đục vào trong ăn phá làm cho trái bị rụng, nơi bị hại có vết thâm khi ấn nhẹ vào dịch nước sẽ rỉ ra ( 3 ngày sau khi ruồi đẻ trứng ). Ruồi đục trái còn là đối tượng kiểm dịch thực vật ở một số nước như Mỹ, úc, Nhật..

Trưởng thành dài 7mm giống ruồi nhà, ngực có màu nâu đỏ, cánh trong suốt, mép cánh có sọc đen lưng bụng có sọc đen,chân màu vàng. Trứng được đẻ thành đám dưới lớp biểu bì vỏ trái, trứng dài 1mm có màu trắng sửa sắp nở có màu vàng nhạt, ấu trùng thuộc dạng giòi không chân dài 3mm, nhộng có màu đỏ nâu hóa nhộng dưới đất.

- Phòng trị:

+ Thu lượm những trái bị ruồi gây hại đem xử lý để giết dòi còn trong trái

+ Đặt bẫy Methyl eugenol để giết trưởng thành đực

+ Phun bã mồi protein trộn thuốc hoá học để giết trưởng thành cái trước đẻ trứng khi trái trưởng thành 1 tuần/ lần.

+ Xử dụng túi chuyên dùng để bao trái.

6. Sâu đục cành non: Alcicodes sp.

- Hình thái và cách gây hại: Là loại sâu gây hại rất phổ biến, trưởng thành đẻ trứng trên đọt non xoài, trứng được đẻ sâu vào trong cành thành từng hàng 2-5 trứng, sâu non nở ra ăn dần xuống phía dưới làm cành bị chết khô, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây.

Trưởng thành toàn thân có màu đen đầu kéo dài về trước, cơ thể dài 10 -12mm, râu đầu hình dùi đục, cánh trước có màu đen có những sọc nổi, gần mép ngoài cánh có hàng lông vàng. Trứng hình bầu dục màu trắng sửa kích thước 1.0 - 1,2mm, sâu non màu trắng đục đầu vàng nâu. Nhộng được làm ngay trong cành đục.(Hình 12). 

- Phòng trị:

+  Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt để dễ kiểm soát

+ Cắt và đem tiêu hủy cành bị chết để loại trừ nhộng.

+ Dùng vợt bắt vào sáng sớm

+ Phun thuốc khi cây ra đọt non bằng thuốc Fenbis 25EC, Sagomycin 20EC, Karate, Cumbush , thuốc cúc tổng hợp.

B. Bệnh hại

1. Bệnh đốm đen (do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. mangiferaindicae) 

- Triệu chứng:

+ Bệnh này phân bố khá rộng rãi ở các vùng trồng xoài trên thế giới đặc biệt là ở vùng Đông Nam á.

+ Bệnh xảy ra trên lá, trái và chồi nonĐầu tiên những đốm bệnh có màu nâu đen nhỏ xuất hiện trên lá, trái, sau đó chúng lớn dần lên, các vết bệnh có thể nối liền lại và trở thành những vết loét lớn hình dạng bất định và cuối cùng tạo thành một vùng trũng xuống so với bề mặt lá. Những vết bệnh trên những chồi non và trái thường là những vết nứt dọc, có màu nâu đen. Đôi khi có nhựa chảy ra từ những vết nứt đó. Nếu bệnh xảy ra trên cây con trong vườn ươm, khả năng lây lan của bệnh rất nhanh chóng và làm cho chết cây.

+ Bệnh xảy ra quanh năm trên lá, trái. Số lượng vết bệnh tăng nhanh khi lượng mưa cao và nhiệt độ không khí ấm. Chúng được phát tán nhờ gió, nước mưa và xâm nhiễm vào cây qua vết thương để gây bệnh cho cây.(Hình 13).

- Phòng trị:

+ Để phòng trị bệnh này, những lá bệnh, chồi và cà cành bị nhiễm bệnh cần được cắt bỏ và mang ra khỏi vườn thiêu hủy.

+ Vệ sinh vườn sạch sẽ thoáng mát, tránh ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

+ Hạn chế việc gây thương tích cho cây đặc biệt là trong mùa mưa để ngăn chặn sự xâm nhiễm của vi khuẩn gây bệnh vào trong cây.

+ Phun các loại thuốc gốc đồng như: Dipomate 80WP, Hạt vàng 50WP 10-20g/8 lít, Kasuran, Kocide, Coc 85 ... ngay sau khi thấy bệnh bắt đầu xuất hiện đặc biệt chú ý sau các trận mưa bão lớn, có tác dụng phòng ngừa bệnh cho cây.

2. Bệnh thán thư (do nấm Colletotrichum gloeosporioides)

- Triệu chứng: Bệnh thán thư trên xoài phát triển trên tất cả các bộ phận của cây và xuất hiện quanh năm bệnh có những triệu chứng đặc trưng trên từng bộ phận. Bệnh thường phát triển mạnh trong mùa mưa.

+ Trên lá:

Bệnh chủ yếu xuất hiện trên lá non, triệu chứng bắt đầu có những đốm nhỏ như mũi kim có màu nâu sẫm đến đen có hình dạng không định hình lúc thì hình tròn, bầu dục,hình ngôi sao và về sau vết bệnh phát triển liên kết với nhau thành từng mảng và lan rộng ra, ở giữa vết bệnh lớp tế bào bị khô và có những lỗ thủng làm lá non không phát triển đôi khi bị biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây.

+ Trên bông:

Bệnh phát triển trên cả chùm bông làm đen bông và rụng. Bệnh còn phát triển trên các cành non của cây. 

+ Trên trái:

Sự phát triển của bệnh trên trái, bệnh nhiễm từ lúc trái còn non đến thu hoạch, vết bệnh lúc đầu trên trái có những đốm nhỏ hình tròn có màu nâu hoặc nâu đen sau lan dần ra, nhiều đốm kết hợp với nhau thành những đốm lớn hơn lõm vào phần thịt trái khoảng 5-10mm và có thể lan ra bao quanh trái, làm cho thịt trái bị chai sượng và thối.. sau đó trái sẽ rụng.(Hình 15).

- Phòng trị:

+ Trong vườn ươm: Luôn vệ sinh vườn sạch sẻ thoáng mát đầy đủ ánh sáng, tránh ẩm độ không khí cao. Cần chú ý làm sao cho cây con ra đọt non phải đồng loạt để dễ dàng phòng trị, khi thấy bệnh bắt đầu xuất hiện cần phải phun thuốc nhằm ngan chặn sự lây lan của bệnh.

+ Ngoài đồng: Để Phòng trị bệnh thán thư trên xoài việc tiêu huỷ các cành lá bệnh để tránh lây lan là rất quan trọng. Tránh trồng quá dày tạo ẩm độ cao làm cho bệnh phát triển mạnh.

+ Luôn vệ sinh vườn thoáng mát tránh sự lây lan của bệnh.

+ Trong các đợt ra lộc non, ra bông, trái non, cần chú ý đến bệnh đặc biệt trong mùa mưa nếu thấy bệnh có triệu chứng xuất hiện cần phun thuốc để phòng trị.

+ Đối với trên bông và trái non khi bệnh phát triển nhiều có thể phun 7 –10 ngày / lần các loại thuốc như: Bendazol 50WP, Thio-M 500SC, Score, Antracol, Daconil, Nustar hay Benomyl từ khi hoa nở cho đến 2 tháng. Sau đó giảm số lần phun khoảng 1 tháng phun 1 lần.

+ Trên trái sau khi rụng sinh lý chúng ta có thể sử dụng bao trái để bao không những hạn chế bệnh thán thư mà còn giảm các loại sâu bệnh hại khác.

3. Bệnh phấn trắng (do nấm Oidium mangiferae)

- Triệu chứng:

+ Bệnh thường gây hại trong điều kiện thời tiết nóng ẩm hoặc có sương đêm. Nấm bệnh đóng thành lớp phấn trắng trên lá non, phát hoa và trái non. Bệnh thường phát triển từ ngọn của phát hoa, lan dần đến cuống hoa, trái non, lá non và cành. Thường hoa bị nhiễm bệnh trước khi thụ phấn và trái bị nhiễm bệnh khi còn rất nhỏ. Trái bị nhiễm bệnh sẽ bị biến dạng, méo mó, nhạt màu và bị khô và rụng sớm.(Hình 16 và 17).

+ Bệnh gây thiệt hại nặng nhất trong giai đoạn trổ hoa đến tạo trái trong điều kiện nóng ẩm có sương về đêm bệnh bộc phát và lây lan rất nhanh.

- Phòng trị:

Cắt tỉa cành tạo tán cho cây phát triển mạnh tránh tạo cơ hội cho bệnh phát triển, cung cấp phân bón đầy đủ. Cần chú ý sự phát triển của bệnh trong giai đoạn cây ra bông và tạo trái non nếu thấy bệnh xuất hiện cần phun thuốc để phòng trị ngay Sulox 80WP, Carbenzim 500FL, Tilt super, Score, Bayfidan, Benomyl... theo liều lượng khuyến cáo.

4. Bệnh nấm hồng (do nấm Corticium salmonicolor)

- Triệu chứng: 

+ Đầu tiên trên mặt vỏ thân hay nhánh có tơ nấm trắng bò lan, sau đó nấm tạo thành những mảng màu hồng. Đôi khi không thấy mảng màu hồng mà chỉ thấy các gai nấm màu hồng phát triển từ các vết nứt trên vỏ thân hay nhánh.

+ Nhánh và thân cây bị nấm tấn công sẽ mất dinh dưỡng sau đó sẽ bị khô và chết. Ngoài ra vết bệnh là một lớp phấn phủ màu trắng bao xung quanh thân cành. Nấm có thể gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau đặc biệt các loại cây ăn trái như: Mít, Sầu riêng, ..

- Phòng trị:

Bệnh thường phát triển nặng trên những cây có tàn lá rậm rạp và che khuất nhau, nhất là vào những tháng mưa ẩm. do đó, nên trồng cây vơí khoảng cách hợp lý, tỉa bớt cành lá vô hiệu để tránh che rợp. Cắt bỏ và tiêu huỷ các nhánh nhiễm bệnh, phát hiện bệnh sớm và đánh chải vùng bệnh bằng dung dịch thuốc hóa học như: Vanicide 5SL, Hạt vàng 50WP, Bonanza, Rovral, Validacin hoặc Kitazin.

5. Bệnh khô đọt thối trái (do nấm diplodia natalensis.)

- Triệu chứng:

+ Bệnh này gây hại nặng trong điều kiện nóng ẩm nhất là vào mùa mưa. trên nhánh đọt bị các đốm sậm màu, lan dần trên các cành non, cuống lá làm lá bị biến màu nâu. Cành bị khô, nhăn và có thể chảy mủ. Chẻ dọc cành bệnh, bên trong các mạch dẫn nhựa biến nâu tạo thành những sọc màu nâu. Nếu sử dụng cành ghép, mắt ghép từ cành bị nhiễm bệnh, bệnh có thể phát triển trên cây con sau khi ghép.

+ Bệnh tấn công lên trái trong giai đoạn thu hoạch và tồn trữ hay vận chuyển, làm thối phần thịt trái nơi gần cuống có màu nâu sậm lan dần làm thối nát cả trái hoặc nơi vỏ trái bị trầy trụa.

+ vết thối mềm và lây lan khá nhanh chỉ sau 2-3 ngày, nhất là trong môi trường nóng ẩm đặc biệt khi thu hoạch trái không chừa cuống rất dễ bị nấm bệnh xâm nhập vào.(Hình 19).

- Phòng trị:

+ Để phòng bệnh này cần tránh gây bầm dập, rụng cuống trái khi thu hoạch. khi thu hoạch cần chú ý tránh sự và chạm giữa các trái nhằm tạo vết thương làm cho bệnh dễ xâm nhập vào bằng cách đặt từng trái vào thùng chứa giấy báo.

+ Tỉa cành kết hợp tỉa các bộ phận bị bệnh và tiêu hủy, hạn chế sự lây lan của nguồn bệnh trên vườn.

+Chọn mắt ghép sạch bệnh để tránh lây lan bệnh cho cây con.

+ Cần phun các loại thuốc để phòng trị bệnh như: Carbenzim 500FL, Dipomate 80WP, Tilt super, Dithan, Benlate, Manzate, Topan.

+ Trái sau thu hoạch có thể được sử lý bằng nước nóng 52 0C trong 10 phút cũng ngừa được bệnh thối trái và thán thư.

 

 

                                                                                                                                                                                              Nguồn: Tham khảo



Ngày Đăng: 13-09-2020
Copyright © 2020 CÔNG TY TNHH SX DV NÔNG NGHIỆP HỮU ĐÔNG - Design 0962165797 Thức Trường . All rights reserved. Design by Nina
Đang online: 2 | Tổng Lượt Truy Cập: 158898
Trụ Sở Chính Chi Nhánh
1
icon_zalod
images