Trao đổi với DÂN VIỆT, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, trong 10 năm qua, lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu về Việt Nam dao động từ 70-100 ngàn tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu về Việt Nam giảm tới 66%.
Trước thông tin hàng năm Việt Nam nhập khẩu và sử dụng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật và nhiều vùng, nhiều địa phương dùng quá mức cần thiết, vô tội vạ, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật khẳng định: "Chúng ta không thể nào nói một cách tùy tiện rằng người dân có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ, tràn lan được".
Ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) : "Chúng ta không thể nào nói một cách tùy tiện rằng người dân có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ, tràn lan được".
Là cơ quan có trách nhiệm quản lý về thuốc bảo vệ thực vật, ông có thể nói rõ hơn về cơ cấu thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu cũng như việc sử dụng hiện nay trong sản xuất nông nghiệp?
- Trong 10 năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật chúng ta nhập khẩu dao động từ 70.000 - 100.000 tấn với giá trị thương mại khoảng 700 - 800 triệu USD/năm.
Phải khẳng định Việt Nam không sản xuất được các thuốc bảo vệ thực vật và gần như phải nhập khẩu. Do vậy, công tác quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật ngay từ đầu vào được làm một cách rất chặt chẽ, 100% lô hàng khi nhập khẩu đều phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng nhà nước.
Trong số 70.000 - 100.000 tấn thuốc nhập khẩu về có rất nhiều loại khác nhau, gồm: thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ tuyến trùng, thuốc bảo quản, khử trùng, thuốc trừ cỏ… Tôi xin nhắc lại, riêng thuốc trừ cỏ đã chiếm 30%; các thuốc bảo quản nông sản, khử trùng, tức là không sử dụng ra đồng ruộng cũng chiếm khoảng 20%.
50% số thuốc còn lại được hiểu là thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu, nhưng không phải các doanh nghiệp, nông dân sử dụng hết ở trong nước. Các doanh nghiệp đã gia công, chế biến và xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật đi 50 nước, đặc biệt là Campuchia thị phần Việt Nam chiếm 100%.
Chúng ta cũng xuất khẩu ngược đi Đài Loan, Nhật Bản và Israel với tổng kim ngạch mỗi năm từ 100 - 200 triệu USD. 6 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu trên 6.000 tấn trên tổng số hơn 30 000 tấn thuốc nhập khẩu.
Đó là con số xuất và nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam, còn thực tế việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng thì như thế nào, thưa ông?
- Với trình độ canh tác và nhận thức của người dân và doanh nghiệp hiện nay, chúng ta không thể nào nói một cách tùy tiện rằng người dân có xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ, tràn lan được, vì nó liên quan trực tiếp đến chi phí sản xuất.
Người dân có xu hướng lựa chọn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng an toàn, đảm bảo sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Nhiều năm nay hệ thống bảo vệ thực vật của Việt Nam, đặc biệt là Cục bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các địa phương hàng năm đều mở các lớp tập huấn liên quan đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả.